Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

Thông tư 128/2013/TT-BTC ngày 02/9/2013 của Bộ tài chính: Đã khó còn thêm khổ

(DĐDN) - Điều 27, thông tư 128/2013/TT-BTC ngày 02/9/2013 của Bộ tài chính (Thông tư 128) với quy định hàng hóa nhập khẩu phải được kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan có hiệu lực từ ngày 1/11/2013 đang khiến các cơ quan làm thủ tục thông quan cũng như các DN nhập khẩu rơi vào thế khó.


Để có được giấy kiểm tra chuyên ngành, DN mất gần 10 ngày,
chưa kể chi phí lưu tàu tại cảng.
Ông Trần Quang Phụng - Chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn muối miền Nam cho biết : “Cty thuê tàu hàng Zeusi chở 24.000 tấn muối nhập từ Ấn Độ cập cảng Nhà Rồng - Khánh Hội đã gần 1 tuần nay nhưng chưa được thông quan đang gây nhiều thiệt hại : Hiện mỗi ngày chúng tôi mất hàng trăm triệu đồng, trong đó, riêng phí lưu tàu đã mất 5.000 USD/ngày. Hơn nữa, việc hàng hóa không được thông quan dẫn tới chậm giao hàng cho đối tác, không chỉ DN lỡ kế hoạch sản xuất mà còn bị phía đối tác phạt vi phạm hợp đồng. Đấy là chưa kể, muối là một mặt hàng dễ bị hao tổn khi phơi ngoài trời, càng chậm đưa vào kho bảo quản ngày nào càng hụt hàng ngày đó”.
DN thiệt hại khôn lường
Cty Long Hải hiện cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ông Trần Dũng - GĐ Cty Long Hải chia sẻ : 6.000 tấn phân bón mà Cty nhập từ Thụy Sĩ đang trùm mền tại cảng. Quy định mới không cho phép DN mang hàng về kho nhà mà phải chuyển về kho của đơn vị kiểm định trong khi các đơn vị này không có kho nên vài nghìn tấn phân bón nằm “chết” trên tàu phơi nắng, phơi sương. Để có được giấy kiểm tra chuyên ngành mất gần 10 ngày, chưa kể chi phí lưu tàu tại cảng, chỉ sợ tới lúc lấy được hàng về, phân bón sẽ bị vón cục không xài được.
Theo ông Lê Quang Nhật - GĐ Cảng Nhà Rồng - Khánh Hội : Thông tư 128 đang gây ra nhiều khó khăn không chỉ đối với các DN làm hàng tại cảng. Ngoài việc cảng vẫn phải trả lương cho công nhân bốc xếp (dù họ không có việc làm), còn ảnh hưởng tới kế hoạch quay vòng tàu. Hơn nữa, nếu số lượng hàng lớn, bãi chứa của cảng sẽ không đủ sức chứa, trong trường hợp là những mặt hàng khó bảo quản thì cảng sẽ gặp không ít khó khăn trong việc bảo toàn hàng hóa.
Cơ quan quản lý lúng túng
Thông tư 128 đang gây ra nhiều khó khăn cho cả các DN làm hàng tại cảng và cơ quan chuyên ngành.
Ông Đặng Thái Thiện - Phó Trưởng phòng giám sát và quản lý về hải quan Cục Hải quan TP HCM cho rằng : vướng mắc lớn nhất trong nội dung Thông tư 128 chính là địa điểm kiểm tra. Theo quy định của thông tư, hàng hóa trước khi thông quan phải đưa về địa điểm kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành nhưng thực sự thì không có một cơ quan kiểm tra chuyên ngành nào có đủ hệ thống kho bãi để chứa hàng hóa. Vậy nên, Cục Hải quan TP đã đề nghị Tổng cục Hải quan: Cho phép sử dụng hệ thống kho của DN nhưng cơ quan kiểm tra chuyên ngành phải có trách nhiệm kiểm tra kho của DN về điều kiện bảo quản và công nhận kho đó đủ điều kiện (coi như đó là một địa điểm của cơ quan kiểm tra chuyên ngành). Điều này giúp khái niệm địa điểm kiểm tra chuyên ngành được mở rộng ra tới kho của các DN chứ không nhất thiết cứ phải sử dụng kho của cơ quan chuyên ngành.
Kiến nghị này đã được Tổng cục Hải quan đồng ý, chấp nhận cho sử dụng kho của các DN với điều kiện các kho này phải được cơ quan kiểm tra chuyên ngành trực tiếp xuống kiểm tra, công nhận và phải chịu trách nhiệm giám sát hàng hóa đưa về kho DN bảo quản cho tới khi nào hải quan thông quan. Tuy nhiên, các cơ quan kiểm tra chuyên ngành chưa tán thành với kiến nghị này. Lý do họ đưa ra là để công nhận đạt chuẩn không hề dễ dàng gì chứ chưa nói tới vấn đề cử người giám sát và chịu trách nhiệm bảo toàn hàng hóa trong thời gian chờ thông quan. Mặt khác, hiện nay các cơ quan kiểm tra chuyên ngành cấp trên chưa có chỉ đạo về vấn đề này khiến cấp dưới đang rất lúng túng, dẫn tới hàng hóa không được mang về kho của DN. Vì vậy “tắc” hàng ở cảng là chuyện đương nhiên.
Đánh giá về thông tư 128, ông Nhật nhìn nhận : “Khi ban hành một thông tư cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các bên. Đặc biệt, các cơ quan lấy mẫu phải đáp ứng được yêu cầu thông tư đề ra. Nếu không, thông tư này sẽ thất bại vì nếu tính đúng, tính đủ như nội dung Điều 27 Thông tư 128 quy định, khi DN nhập một lô hàng với số lượng 2.000 container thì cơ quan kiểm tra chuyên ngành phải lấy đủ 2.000 mẫu. Đây là điều không thể vì chắc chắn cơ quan này không đủ nhân sự để làm công việc này”.
Ông Lê Quang Nhật - GĐ Cảng Nhà Rồng - Khánh Hội :
Những quy định quá khắt khe trong thông tư 128 là không cần thiết, bởi lẽ, trước khi ký kết nhập hàng với đối tác nước ngoài, DN đã có mẫu hàng đăng ký với cơ quan nhà nước, nếu nhà nước cho phép thì DN mới dám nhập lô hàng này. khi hàng về cảng, nhà nhập khẩu mang một vài mẫu ngẫu nhiên đi kiểm định là xong, đâu nhất thiết phải mang tất cả các mẫu ở tất cả các container hàng đi kiểm định vừa tốn chi phí vừa tốn thời gian của DN. Bên cạnh đó, nhiều khi hàng của DN về vào chiều thứ 6, gặp lúc thứ 7 và chủ nhật cơ quan nhà nước nghỉ làm việc không kiểm định được thì tự nhiên hàng bị lưu thêm 2 ngày một cách vô lý ! Công tác kiểm nghiệm đôi khi kéo dài cả tuần có thể không là gì đối với các cơ quan kiểm định nhưng lưu hàng thêm 1 tuần, DN nhập khẩu sẽ “thiệt hại khôn lường.
Ông Đặng Thái Thiện - Phó Trưởng phòng Giám sát và quản lý về hải quan Cục Hải quan TP HCM :
Để khắc phục những vướng mắc trên, tôi đề xuất : Một là, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành cần phải xem xét lại để tránh áp lực khi thông quan : loại nào cần thiết phải kiểm tra trước khi thông quan thì kiểm còn loại nào không cần thiết cứ cho thông quan nhưng chủ hàng phải có trách nhiệm lưu giữ và sẽ kiểm tra trước khi lưu thông hàng hóa ra thị trường. Hai là, quy trình kiểm tra cũng cần xem xét lại. Nhiều DN phản ánh thời gian ra kết quả kiểm định khá lâu nên các cơ quan kiểm tra chuyên ngành cần khắc phục để đẩy nhanh việc công bố kết quả giúp thông quan nhanh hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét