Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

Công văn hỏa tốc 15269/BTC-TCHQ hướng dẫn thực hiện điều 27, thông tư 128/2013/TT-BTC



BỘ TÀI CHÍNH
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 15269/BTC-TCHQ
V/v Hướng dẫn thực hiện Điều 27 Thông tư 128/2013/TT-BTC
Hà Nội, ngày 07 tháng 11 năm 2013


Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong quá trình thực hiện Điều 27 Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính có một số Cục Hải quan tỉnh, thành phố, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp phản ảnh vướng mắc trong việc đưa hàng về bảo quản.
Để giải quyết vướng mắc, đồng thời đảm bảo quản lý chặt chẽ hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành có yêu cầu đưa về bảo quản, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện điểm b khoản 2 Điều 27 Thông tư số 128/2013/TT-BTC như sau.
1. Đối với hàng tiêu dùng nhập khẩu (trừ ô tô và xe gắn máy): Thủ tục đưa hàng về bảo quản thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 27 Thông tư số 128/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.
2. Đối với hàng hóa khác:
Một số nhóm hàng đặc thù sau đây được đưa về địa điểm kiểm tra chuyên ngành hoặc kho, bãi của doanh nghiệp để kiểm tra chuyên ngành và bảo quản chờ kết quả kiểm tra nếu đáp ứng điều kiện giám sát hải quan:
- Hàng phải bảo quản đặc biệt: vắc xin, thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế.
- Hàng rời, cồng kềnh: thức ăn chăn nuôi, phân bón, muối.
- Hàng là nguyên liêu phục vụ sản xuất.
- Máy móc thiết bị, xe máy chuyên dùng.
- Nhóm hàng khác (nếu có), do Tổng cục Hải quan hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành đề nghị.
Hàng hóa được đưa về bảo quản phải chịu sự giám sát của cơ quan hải quan. Kho, bãi bảo quản hàng hóa phải đáp ứng yêu cầu giám sát hải quan: có tường rào ngăn cách, có cổng cửa để khóa, hoặc có camera nối mạng với cơ quan hải quan để theo dõi. Cơ quan hải quan tại địa bàn kho, bãi bảo quản hàng hóa có trách nhiệm kiểm tra và xác nhận địa điểm bảo quản đáp ứng yêu cầu giám sát hải quan. Chi cục Hải quan cửa khẩu thực hiện bàn giao trách nhiệm giám sát hàng hóa cho đơn vị hải quan tại địa bàn kho hàng, thủ tục bàn giao thực hiện như đối với hàng chuyển cửa khẩu phải kiểm tra thực tế hàng hóa.
3. Đối với ô tô, xe máy: Doanh nghiệp được mang về địa điểm kiểm tra chuyên ngành hoặc kho của doanh nghiệp để kiểm tra và bảo quản chờ kết quả kiểm tra nếu được cơ quan kiểm tra chuyên ngành xác nhận trên giấy đăng ký kiểm tra. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo quản hàng hóa đến khi được cơ quan hải quan xác nhận thông quan.
4. Để quản lý chặt chẽ hàng hóa đưa về bảo quản. Tổng cục Hải quan chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện độc lập hoặc phối hợp với cơ quan kiểm tra chuyên ngành tiến hành việc kiểm tra đột xuất để đánh giá mức độ chấp hành của doanh nghiệp trong việc bảo quản hàng hóa chờ thông quan. Trường hợp phát hiện doanh nghiệp vi phạm thì xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật đồng thời không tiếp tục cho doanh nghiệp mang hàng về bảo quản theo quy định tại Điều 27 Thông tư số 128/2013/TT-BTC và hướng dẫn tại công văn này.
Trong quá trình thực hiện, nếu gặp vướng mắc các đơn vị báo cáo về Tổng cục Hải quan để hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc báo cáo Bộ Tài chính giải quyết./.


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng (để báo cáo);
- Lưu: VT, TCHQ(2b)
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn



Giải quyết cho doanh nghiệp mang hàng về bảo quản


Ngay sau khi Bộ Tài chính có công văn sô 15269/BTC-TCHQ hướng dẫn gỡ vướng đối với hàng NK phải kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch và kiểm tra Nhà nước về chất lượng (kiểm tra chuyên ngành) quy định tại Thông tư 128/2013/TT-BTC, các Chi cục Hải quan cửa khẩu TP.HCM đã giải quyết cho DN mang hàng về bảo quản, với cam kết của DN chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành.
Giải tỏa hàng

Sáng 11-11, ông Bùi Xuân Hướng, Đội trưởng Đội Thủ tục hàng hóa XNK Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 2 cho biết, toàn bộ 24.200 tấn muối công nghiệp NK tại cảng Khánh Hội (quận 4 - TP.HCM) của Công ty CP Tập đoàn Muối miền Nam đã được Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 2 tạm giải tỏa cho DN mang hàng về kho riêng bảo quản, chờ kết quả kiểm tra Nhà nước về chất lượng theo chỉ đạo của Cục Hải quan TP.HCM.
Công ty CP Tập đoàn Muối miền Nam phải có trách nhiệm thường xuyên báo cáo cho cơ quan Hải quan về tình trạng hàng hóa được bảo quản đang trong sự kiểm tra, giám sát của Hải quan và phải giữ nguyên hàng hóa, không được phép đưa ra sử dụng khi chưa được cơ quan Hải quan xác nhận thông quan. Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 2 có trách nhiệm, kiểm tra, giám sát đối với lô muối NK nêu trên của Công ty CP Tập đoàn Muối miền Nam được mang về bảo quản và tiến hành kiểm tra đột xuất hàng hóa của DN.
Lô hàng trên được Công ty CP Tập đoàn Muối miền Nam làm thủ tục hải quan NK tại Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 2. Theo quy định mặt hàng này phải kiểm tra chất lượng Nhà nước theo quy định và DN chỉ được mang hàng về kho bảo quản trong trường hợp được cơ quan kiểm tra chuyên ngành kiểm tra, công nhận là địa điểm kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, DN phản ánh, để có kết quả kiểm tra chuyên ngành đối với lô hàng muối nêu trên, DN phải lưu hàng tại cảng trong thời gian dài ngày, với số lượng hàng lớn, sẽ rất tốn kém.
Theo ông Trần Quang Phụng, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Muối miền Nam, việc giải tỏa hàng cho DN đưa về kho riêng bảo quản chờ kết quả kiềm tra chuyên ngành tránh thiệt hại cho DN về chi phí phát sinh, trong đó có tiền phạt tàu nước ngoài mỗi ngày 5.000 USD.
Theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Nguyễn Hữu Nghiệp, cơ quan Hải quan chỉ giải quyết đối với từng lô hàng cụ thể, DN có cam kết, thường xuyên báo cáo cho cơ quan Hải quan về tình trạng hàng hóa được bảo quản đang trong sự kiểm tra, giám sát của Hải quan và phải giữ nguyên hàng hóa, không được phép đưa ra sử dụng khi chưa được cơ quan Hải quan xác nhận thông quan.
Tại Hải quan Hải Phòng, đầu mối có lưu lượng hàng hóa XNK lớn ở khu vực phía Bắc, cũng phát sinh vướng mắc nêu trên nhưng tình hình không quá căng thẳng như địa bàn TP.HCM. Theo đại diện một số Chi cục Hải quan cửa khẩu tại Hải quan Hải Phòng, đơn vị thực hiện đúng theo quy định trong Thông tư 128 và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính. Những trường hợp nào được phép mang hàng về bảo quản chờ kết quả kiểm tra các đơn vị đều giải quyết kịp thời, đúng quy định để tạo thuận lợi cho DN.
Lãnh đạo một Chi cục Hải quan cửa khẩu ở Hải Phòng chia sẻ, vẫn đề mất thêm thời gian lưu giữ hàng hóa (chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành) chủ yếu phát sinh thêm chi phí cho DN. Thực tế có trường hợp DN không có kho để bảo quản hàng hóa mà khi nhập về DN muốn chuyển hàng luôn cho đối tác.
Phối hợp hỗ trợ DN
Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Nguyễn Hữu Nghiệp cho biết, Cục Hải quan TP.HCM đã chủ động báo cáo các vướng mắc trước và trong khi triển khai Thông tư 128/2013/TT-BTC. Bên cạnh đó, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan kiểm tra chuyên ngành bàn biện pháp để hỗ trợ tốt nhất cho DN, đồng thời vẫn đảm bảo quản lí chặt chẽ hàng hóa NK phải kiểm tra chất lượng.
Ông Nghiệp cho biết thêm, theo công văn hướng dẫn của Bộ Tài chính, một số nhóm hàng hóa đặc thù sẽ được đưa về địa điểm kiểm tra chuyên ngành hoặc kho, bãi của DN để kiểm tra và bảo quản chờ kết quả kiểm tra nếu đáp ứng điều kiện giám sát hải quan. Cơ quan Hải quan tại địa bàn kho, bãi bảo quản hàng hóa có trách nhiệm kiểm tra và xác nhận địa điểm bảo quản đáp ứng yêu cầu giám sát hải quan. Cơ quan Hải quan kiểm tra đột xuất các lô hàng được giải tỏa…
Theo một số đơn vị hải quan cửa khẩu, việc tạm giải tỏa cho DN mang hàng về kho bảo quản chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành nhằm để tạo thuận lợi cho DN, tránh phát sinh chi phí lưu hàng tại cảng, tránh ách tắc hàng hóa. Tuy nhiên, cơ quan Hải quan cũng chỉ giải quyết đối với từng lô hàng cụ thế, vì cả DN và cơ quan Hải quan khó thực hiện được các yêu cầu trên.
Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 Nguyễn Thị Bông cho biết, trung bình mỗi ngày đơn vị tiếp nhận khoảng 50-60 lô hàng NK phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành. Ngay sau khi có công văn của Bộ Tài chính, lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM đã chỉ đạo chi cục xem xét giải quyết cho DN mang hàng về kho riêng bảo quản nếu đáp ứng yêu cầu.
Đại diện các Chi cục Hải quan cửa khẩu ở Hải Phòng cho biết, bên cạnh kịp thời giải quyết thủ cho DN theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan các đơn vị tiếp tục tiếp nhận phản ánh vướng mắc của DN để phản ánh lên Cục Hải quan Hải Phòng và Tổng cục Hải quan. Lãnh đạo Phòng Giám sát quản lí về hải quan (Cục Hải quan Hải Phòng) cho biết, đơn vị cũng đang tập hợp và hoàn thiện các vướng mắc khi thực hiện Thông tư 128 để báo cáo Tổng cục Hải quan.
Không chỉ có các cửa khẩu cảng biển, tại cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất hàng ngày có lượng hàng hóa NK phải kiểm tra chuyên ngành cũng rất lớn. Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất Nguyễn Xuân Bình do tính chất đặc thù đối với hàng NK qua đường hàng không phần nhiều là hàng tươi sống, nên cơ quan Hải quan, DN và cơ quan kiểm dịch đã phối hợp tháo gỡ ngay các trường hợp vướng mắc, tạo thuận lợi cho hàng hóa NK của DN. Không có hiện tượng kẹt hàng NK phải kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu.
Trong cuộc họp với Cục Hải quan TP.HCM mới đây, các cơ quan kiểm dịch trên địa bàn TP.HCM đề nghị cơ quan Hải quan chỉ giải quyết cho DN mang hàng về kho bảo quản nếu trên giấy đăng kí ghi rõ nội dung cho DN mang hàng về địa điểm cụ thể để lấy mẫu kiểm tra hoặc cấp giấy chứng nhận tạm. Cơ quan Thú y vùng VI tiếp tục công nhận các địa điểm kho chứa hàng hóa của DN đảm bảo điều kiện theo quy định thông báo cho cơ quan Hải quan. Chỉ khi nào, cơ quan Thú y vùng VI cấp giấy chứng nhận vận chuyển về kho riêng bảo quản, cơ quan Hải quan mới giải quyết cho DN mang hàng về bảo quản. Trong tuần này, Cục Hải quan TP.HCM sẽ kí kết quy chế phối hợp với cơ quan kiểm dịch.
(HQ)

Thông tư 128/2013/TT-BTC ngày 02/9/2013 của Bộ tài chính: Đã khó còn thêm khổ

(DĐDN) - Điều 27, thông tư 128/2013/TT-BTC ngày 02/9/2013 của Bộ tài chính (Thông tư 128) với quy định hàng hóa nhập khẩu phải được kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan có hiệu lực từ ngày 1/11/2013 đang khiến các cơ quan làm thủ tục thông quan cũng như các DN nhập khẩu rơi vào thế khó.


Để có được giấy kiểm tra chuyên ngành, DN mất gần 10 ngày,
chưa kể chi phí lưu tàu tại cảng.
Ông Trần Quang Phụng - Chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn muối miền Nam cho biết : “Cty thuê tàu hàng Zeusi chở 24.000 tấn muối nhập từ Ấn Độ cập cảng Nhà Rồng - Khánh Hội đã gần 1 tuần nay nhưng chưa được thông quan đang gây nhiều thiệt hại : Hiện mỗi ngày chúng tôi mất hàng trăm triệu đồng, trong đó, riêng phí lưu tàu đã mất 5.000 USD/ngày. Hơn nữa, việc hàng hóa không được thông quan dẫn tới chậm giao hàng cho đối tác, không chỉ DN lỡ kế hoạch sản xuất mà còn bị phía đối tác phạt vi phạm hợp đồng. Đấy là chưa kể, muối là một mặt hàng dễ bị hao tổn khi phơi ngoài trời, càng chậm đưa vào kho bảo quản ngày nào càng hụt hàng ngày đó”.
DN thiệt hại khôn lường
Cty Long Hải hiện cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ông Trần Dũng - GĐ Cty Long Hải chia sẻ : 6.000 tấn phân bón mà Cty nhập từ Thụy Sĩ đang trùm mền tại cảng. Quy định mới không cho phép DN mang hàng về kho nhà mà phải chuyển về kho của đơn vị kiểm định trong khi các đơn vị này không có kho nên vài nghìn tấn phân bón nằm “chết” trên tàu phơi nắng, phơi sương. Để có được giấy kiểm tra chuyên ngành mất gần 10 ngày, chưa kể chi phí lưu tàu tại cảng, chỉ sợ tới lúc lấy được hàng về, phân bón sẽ bị vón cục không xài được.
Theo ông Lê Quang Nhật - GĐ Cảng Nhà Rồng - Khánh Hội : Thông tư 128 đang gây ra nhiều khó khăn không chỉ đối với các DN làm hàng tại cảng. Ngoài việc cảng vẫn phải trả lương cho công nhân bốc xếp (dù họ không có việc làm), còn ảnh hưởng tới kế hoạch quay vòng tàu. Hơn nữa, nếu số lượng hàng lớn, bãi chứa của cảng sẽ không đủ sức chứa, trong trường hợp là những mặt hàng khó bảo quản thì cảng sẽ gặp không ít khó khăn trong việc bảo toàn hàng hóa.
Cơ quan quản lý lúng túng
Thông tư 128 đang gây ra nhiều khó khăn cho cả các DN làm hàng tại cảng và cơ quan chuyên ngành.
Ông Đặng Thái Thiện - Phó Trưởng phòng giám sát và quản lý về hải quan Cục Hải quan TP HCM cho rằng : vướng mắc lớn nhất trong nội dung Thông tư 128 chính là địa điểm kiểm tra. Theo quy định của thông tư, hàng hóa trước khi thông quan phải đưa về địa điểm kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành nhưng thực sự thì không có một cơ quan kiểm tra chuyên ngành nào có đủ hệ thống kho bãi để chứa hàng hóa. Vậy nên, Cục Hải quan TP đã đề nghị Tổng cục Hải quan: Cho phép sử dụng hệ thống kho của DN nhưng cơ quan kiểm tra chuyên ngành phải có trách nhiệm kiểm tra kho của DN về điều kiện bảo quản và công nhận kho đó đủ điều kiện (coi như đó là một địa điểm của cơ quan kiểm tra chuyên ngành). Điều này giúp khái niệm địa điểm kiểm tra chuyên ngành được mở rộng ra tới kho của các DN chứ không nhất thiết cứ phải sử dụng kho của cơ quan chuyên ngành.
Kiến nghị này đã được Tổng cục Hải quan đồng ý, chấp nhận cho sử dụng kho của các DN với điều kiện các kho này phải được cơ quan kiểm tra chuyên ngành trực tiếp xuống kiểm tra, công nhận và phải chịu trách nhiệm giám sát hàng hóa đưa về kho DN bảo quản cho tới khi nào hải quan thông quan. Tuy nhiên, các cơ quan kiểm tra chuyên ngành chưa tán thành với kiến nghị này. Lý do họ đưa ra là để công nhận đạt chuẩn không hề dễ dàng gì chứ chưa nói tới vấn đề cử người giám sát và chịu trách nhiệm bảo toàn hàng hóa trong thời gian chờ thông quan. Mặt khác, hiện nay các cơ quan kiểm tra chuyên ngành cấp trên chưa có chỉ đạo về vấn đề này khiến cấp dưới đang rất lúng túng, dẫn tới hàng hóa không được mang về kho của DN. Vì vậy “tắc” hàng ở cảng là chuyện đương nhiên.
Đánh giá về thông tư 128, ông Nhật nhìn nhận : “Khi ban hành một thông tư cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các bên. Đặc biệt, các cơ quan lấy mẫu phải đáp ứng được yêu cầu thông tư đề ra. Nếu không, thông tư này sẽ thất bại vì nếu tính đúng, tính đủ như nội dung Điều 27 Thông tư 128 quy định, khi DN nhập một lô hàng với số lượng 2.000 container thì cơ quan kiểm tra chuyên ngành phải lấy đủ 2.000 mẫu. Đây là điều không thể vì chắc chắn cơ quan này không đủ nhân sự để làm công việc này”.
Ông Lê Quang Nhật - GĐ Cảng Nhà Rồng - Khánh Hội :
Những quy định quá khắt khe trong thông tư 128 là không cần thiết, bởi lẽ, trước khi ký kết nhập hàng với đối tác nước ngoài, DN đã có mẫu hàng đăng ký với cơ quan nhà nước, nếu nhà nước cho phép thì DN mới dám nhập lô hàng này. khi hàng về cảng, nhà nhập khẩu mang một vài mẫu ngẫu nhiên đi kiểm định là xong, đâu nhất thiết phải mang tất cả các mẫu ở tất cả các container hàng đi kiểm định vừa tốn chi phí vừa tốn thời gian của DN. Bên cạnh đó, nhiều khi hàng của DN về vào chiều thứ 6, gặp lúc thứ 7 và chủ nhật cơ quan nhà nước nghỉ làm việc không kiểm định được thì tự nhiên hàng bị lưu thêm 2 ngày một cách vô lý ! Công tác kiểm nghiệm đôi khi kéo dài cả tuần có thể không là gì đối với các cơ quan kiểm định nhưng lưu hàng thêm 1 tuần, DN nhập khẩu sẽ “thiệt hại khôn lường.
Ông Đặng Thái Thiện - Phó Trưởng phòng Giám sát và quản lý về hải quan Cục Hải quan TP HCM :
Để khắc phục những vướng mắc trên, tôi đề xuất : Một là, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành cần phải xem xét lại để tránh áp lực khi thông quan : loại nào cần thiết phải kiểm tra trước khi thông quan thì kiểm còn loại nào không cần thiết cứ cho thông quan nhưng chủ hàng phải có trách nhiệm lưu giữ và sẽ kiểm tra trước khi lưu thông hàng hóa ra thị trường. Hai là, quy trình kiểm tra cũng cần xem xét lại. Nhiều DN phản ánh thời gian ra kết quả kiểm định khá lâu nên các cơ quan kiểm tra chuyên ngành cần khắc phục để đẩy nhanh việc công bố kết quả giúp thông quan nhanh hơn.

Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

Kiểm soát chặt sữa nhập khẩu ngay tại cửa khẩu



Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế đề nghị các cơ quan phối hợp kiểm soát chặt chẽ các loại sữa NK ngay tại các cửa khẩu để ngăn chặn các sản phẩm không đảm bảo chất lượng vào thị trường Việt Nam.

Trước thông tin tại khu phố cổ trên địa bàn Hà Nội, một số cơ sở kinh doanh sữa nhập lậu, hết hạn sử dụng và gian dối trong sang bao, đóng gói sản phẩm, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn số 2504/ATTP-NĐ gửi Tổng cục Hải quan- Bộ Tài chính và cơ quan chức năng liên quan đề nghị phối hợp kiểm soát ATTP đối với thực phẩm NK, trong đó có mặt hàng sữa nhằm ngăn chặn các loại sữa nhập lậu.

Theo đó, Cục An toàn thực phẩm đề nghị các cơ quan phối hợp kiểm soát chặt chẽ các loại sữa NK ngay tại các cửa khẩu để ngăn chặn các sản phẩm không đảm bảo chất lượng vào thị trường Việt Nam.

Thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện sớm, xử lý kiên quyết những hành vi kinh doanh sản phẩm thực phẩm, trong đó có mặt hàng sữa nhập lậu, gian lận trong thương mại, kinh doanh thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm không an toàn trên thị trường.
(HQ)

Từ 1-11, điều chỉnh quản lí hải quan khu vực cảng Hải Phòng



Từ ngày 1-11, việc quản lí hải quan tại khu vực cảng Hải Phòng có sự điều chỉnh theo phân công địa bàn quản lí mới vừa được Hải quan Hải Phòng công bố đối với 4 Chi cục Hải quan cửa khẩu.

Theo đó, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực I quản lí các cảng từ cảng Vật Cách đến cảng Hoàng Diệu (bao gồm: Vật Cách, Nam Ninh, đóng tàu Nam Triệu, đóng tàu Phà Rừng, LPG Thăng Long, Mipec, đóng tàu Bạch Đằng...); cảng Hoàng Diệu; cảng cá Hạ Long; cảng công ty CP cảng dịch vụ Dầu khí Đình Vũ (PTSC); Xí nghiệp xếp dỡ Tân Cảng (HPH).


Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực II quản lí cảng Chùa Vẽ; cảng Hải An; cảng Công ty cổ phần Tân Cảng 128; các kho CFS (kho hàng rời) Sao Đỏ, Northfreigh, Tân Tiên Phong, Tasa, Nam Phát, Vietfracht, Inlaco.


Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực III quản lí cảng Nam Hải; cảng Đoạn Xá; cảng Transvina; cảng Green Port; các kho CFS: Vinabridge, Viconship, Vijaco, Gemadept Đông Hải, Công ty TNHH MTV trung tâm Logistics xanh; các kho ngoại quan (trừ kho ngoại quan thuộc sự quản lí của các Chi cục Hải quan: KCX-KCN, Hưng Yên, Hải Dương).


Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ quản lý các cảng công ty CP Đầu tư và phát triển cảng Đình Vũ; cảng công ty CP Tân cảng 189 - Hải Phòng; cảng công ty CP 19/9 (xăng dầu); cảng công ty CP KCN cảng Đình Vũ (xăng dầu, khí hóa lỏng); cảng công ty TNHH MTV DAP - Vinachem (khí hóa lỏng); các kho CFS: Minh Thành, Vinalines.

(HQ)